TẬP HUẤN PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG, GIÁO DỤC GIỚI TÍNH VÀ CÔNG TÁC TƯ VẤN TÂM LÝ TRONG NHÀ TRƯỜNG
Sự bùng nổ của công cuộc chuyển đổi số mang lại cơ hội tiếp cận thông tin tri thức một cách dễ dàng, đồng thời mạng xã hội cũng tác động và ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của chúng ta đặc biệt là giới trẻ nói chung và học sinh phổ thông nói riêng. Tiếp cận công nghệ thông tin đã thay đổi cách sống của các em đồng thời mang lại nhiều cơ hội và thách thức, làm xuất hiện nhiều tình trạng ảnh hưởng đến giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục phẩm chất, năng lực của học sinh.
Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục, tình trạng vi phạm các chuẩn mực đạo đức của học sinh hiện nay ngày một gia tăng và ở mức độ khá nghiêm trọng. Tình trạng này được diễn ra trong các nhà trường và phát triển gia tăng theo bậc học (từ TH lên THCS và đến THPT). Có thể liệt kê một số hành vi vi phạm của học sinh như: quay cóp trong thi cử (gia tăng ở lớp học trên) thậm chí vi phạm quy chế trong thi cử; nói dối cha mẹ về kết quả học tập và trong sinh hoạt hằng ngày; đánh nhau trong và ngoài nhà trường. Tình trạng báo động là học sinh gây gổ đánh nhau không chỉ với học sinh nam và còn có cả học sinh nữ. Hành vi bỏ giờ, trốn học cũng trở lên phổ biến, rồi trộm cắp, đua xe…. Tình trạng nói tục, chửi thề; thiếu tôn trọng thầy cô giáo, người lớn tuổi, vấn nạn bạo lực học đường diễn biến phức tạp; tỷ lệ thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, phạm tội nghiêm trọng đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa về độ tuổi.
Ngoài các vụ việc về bạo lực trực tiếp, tình trạng bạo lực học đường còn xảy ra dưới hình thức trực tuyến. Thông qua sử dụng các công nghệ trực tuyến và mạng internet trong môi trường học đường, học sinh đã sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội như tin nhắn, email, diễn đàn trực tuyến và các nền tảng khác như facebook, instagram, zalo, … để gây hại, xúc phạm hoặc đe dọa người khác trong cộng đồng học đường như: xúc phạm trực tuyến, lăng mạ trực tuyến, quấy rối trực tuyến…
Bên cạnh bạo lực học đường, hiện tượng học sinh sử dụng thuốc lá điện tử đang ngày một len lỏi trong các nhà trường, đặc biệt là trường THCS, không chỉ có HS nam biết sử dụng và mời bạn sử dụng mà còn xuất hiện ở học sinh nữ (thực sự là nguy hiểm) vì các sản phẩm thuốc lá điện tử đều có chứa các thành phần hoá chất rất độc hại cho sức khoẻ con người, nó làm cho người sử dụng dễ phụ thuộc vào nó và có thể từ thuốc lá điện tử dẫn đến sử dụng các sản phẩm các chất có chứa nicotine khác, tăng nguy cơ sử dụng bia rượu và các chất ma tuý gây nghiện. Do có sử dụng các hương liệu tạo mùi hất dẫn nên thuốc lá điện tử càng gây tò mò và kích thích người sử dụng. Đáng chú ý hơn, khi học sinh ở độ tuổi thanh thiếu niên, do cơ thể đang phát triển nên khả năng gây tác hại nhiều hơn người trưởng thành
Hiện tượng học sinh có quan hệ thân mật với bạn khác giới đã xảy ra, thậm chí xảy ra công khai trong môi trường học đường; hiện tượng học sinh đi quá giới hạn cho phép đã mang đến rất nhiệu hệ luỵ cho bản thân học sinh, gia đình và nhà trường.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong khi học sinh phổ thông là lứa tuổi đang hình thành và phát triển nhân cách, tâm lý chưa ổn định, ranh giới nhận thức giữa hành vi tích cực và tiêu cực rất mong manh, nếu không được định hướng, giải toả tâm lý kịp thời thì rất dễ dẫn đến các vi phạm trên và hậu quả đáng tiếc là chán học, bỏ học, dính và tệ nạn xã hội, bạo lực học đường và cao hơn nữa là bị xử lý theo quy định của phát luật trong khi vẫn chưa đến tuổi thành niên.
Các sự việc ngày càng mang tính chất nguy hiểm và ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục cũng như uy tín của ngành. Xuất phát từ những vấn đề trên, với mong muốn: Giảm thiểu và tiến tới không còn tình trạng bạo lực học đường, không còn học sinh sử dụng và lôi kéo bạn sử dụng thuốc lá điện tử và học sinh nhận thức đúng đắn về mối quan hệ với bạn khác giới, ngày 19/12/2024 vừa qua, Phòng GDĐT Khoái Châu đã tổ chức buổi tập huấn với 3 chuyên đề:
Chuyên đề 1: Tăng cường giáo dục giới tính đối với học sinh
Chuyên đề 2: Chủ động phòng, chống bạo lực học đường trong nhà trường
Chuyên đề 3: Đẩy mạnh hoạt động hiệu quả công tác xã hội và Tổ tư vấn tâm lý học sinh trong nhà trường
Sự vào cuộc của các thầy cô giáo, của các nhà trường thực sự cần thiết. Nếu học sinh không chủ động tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ tâm lý và không biết cách giải quyết do tâm lý e ngại thì hoạt động chủ động tư vấn tâm lý và tháo gỡ khó khăn cho học sinh của nhà trường, của giáo viên đóng vai trò rất quan trọng.
Việc kết hợp hai hình thức tập huấn: trực tiếp và trực tuyến tại 25 điểm cầu cho thấy sự mong đợi về kết quả tập huấn của ngành. Với tinh thần trách nhiệm của các thầy cô và nhà trường, các đơn vị đã nhận thấy: Việc trang bị kiến thức, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho học sinh là việc làm thường xuyên, liên tục của cán bộ, giáo viên, phụ huynh và toàn thể xã hội.
Kết thúc lớp tập huấn đồng chí Trần long Trọng - Phó trưởng Phòng GDĐT nhấn mạnh: Mỗi thầy cô chúng ta, cần thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cấp bách về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong thời đại công nghệ số!
MỘT SỐ HÌNH ẢNH LỚP TẬP HUẤN
Đ/c Bùi Thị Hương Thanh - Phó trưởng Phòng GDĐT
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn
Các đại biểu tham gia lớp tập huấn
Đ/c Nguyễn Thị Loan - Hiệu trưởng TH&THCS Bình Kiều
Báo cáo chuyên đề: Tăng cường giáo dục giới tính đối với học sinh
Đ/c Nguyễn Văn Dũng - Phó Hiệu trưởng THCS Tân Châu
Báo cáo chuyên đề: Chủ động phòng, chống bạo lực học đường trong nhà trường
Đ/c Lê Bá Tuân - Phó Hiệu trưởng THCS Hồng Tiến
Báo cáo chuyên đề: Đẩy mạnh hoạt động hiệu quả công tác xã hội và Tổ tư vấn tâm lý học sinh trong nhà trường
Đ/c Trần Long Trọng - Phó trưởng Phòng GDĐT
Phát biểu kết luận hội nghị
Một số hình ảnh ở điểm cầu các trường